Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Con gái là con người ta

Mẹ chồng vẫn nằm mệt mỏi trên giường bệnh, con dâu đề xuất với cả nhà đưa mẹ đến bệnh viện, con gái đến, giãy nảy lên: “Đi viện phức tạp lắm, em lại bận chắc không trông mẹ được”.
Sáng ngủ dậy, mẹ chồng thấy đau nhức khắp người, định nhổm dậy nhưng đầu đau như búa bổ, mẹ chồng chỉ thều thào mấy câu với con dâu: “Chốc ăn sáng xong, con đi mua cho mẹ vỉ thuốc”. Con dâu tất tả đi nấu cháo, muathuốc rồi không quên chạy ra chợ xách hoa quả về cho mẹ chồng bồi dưỡng để mau lại sức. Con gái biết chuyện gọi điện sang: “Mẹ ốm à, sao ốm “đột xuất” thế, hôm nay nhà con ai cũng bận, biết gửi cu Bin ở đâu bây giờ”. Mẹ chồng thở dài buồn bã.
Đến trưa, con gái lại gọi điện sang: “Mẹ đi chợ giúp con chưa, à quên, mẹ đang ốm nhỉ? Thế thì mẹ nhờ chị dâu mua nhé, lát con qua lấy”. Con dâu đang lau nhà, nghe mẹ nói vậy vội phải đặt cây chổi lau nhà xuống để đi chợ cho em nó kịp nấu cơm trưa.
Hôm sau, mẹ chồng vẫn nằm mệt mỏi trên giường bệnh, con dâu đề xuất với cả nhà đưa mẹ đến bệnh viện, con gái đến, giãy nảy lên: “Đến viện phức tạp lắm, em lại bận chắc không trông mẹ được”. Con dâu quay sang nhìn khuôn mặt tái nhợt của mẹ chồng, quyết định ngắn gọn: “Chị sẽ trông mẹ”. Con gái thở dài đánh thượt một cái: “Thế thì em chỉ mang cơm vào thôi nhé, không ngủ lại đâu, em sợ bệnh viện lắm”.
Vào viện rồi, con dâu tất tả chạy qua lại để làm thủ tục, con gái vẫn cằn nhằn: “Ở nhà cũng được, vào viện làm gì cho tốn kém”. Đêm, mẹ chồng tỉnh dậy, thấy con dâu vẫn ngồi quạt đều đều cho mình, mẹ bỗng thấy ngượng ngùng: “Khổ cho con quá, cái Linh từ bé tới giờ chưa phải thức đêm trông mẹ lần nào”. Con dâu cười: “Không sao mẹ ạ”.
Sáng sớm, con gái gọi điện cho mẹ chồng: “Bố chồng con đột nhiên đau lưng, con đưa ông đi đắp lá, chắc mất khoảng 1 đến 2 hôm, mẹ nhờ chị dâu cơm nước nhé”. Mẹ chồng nhẹ nhàng “ừ, ừ!” qua điện thoại.
Hai hôm ở viện, con dâu lo lắng cho mẹ từng tý một. Việc cơ quan bận nhưng con dâu vẫn cố đẩy nhanh tiến độ công việc tạm ổn rồi xin nghỉ phép 1 tuần để trông mẹ. Con trai vào hỏi thăm, dặn dò đủ thứ rồi “chốt” lại: “Em chịu khó chăm mẹ mấy hôm cho khỏi hẳn, đừng giao việc gì cho cái Linh, nó ẩu lắm khéo làm mẹ mệt thêm”.
Hôm sau, con gái vào thăm mẹ, gương mặt phụng phịu: “Mẹ ốm, chẳng ai trông cháu giúp con, buổi trưa đi làm cứ phải chạy về cho nó ăn mệt ơi là mệt”. Con dâu quay sang nhìn con gái mẹ, bỗng thấy thương mẹ chồng hơn bao giờ hết.
Nằm ở viện rồi mẹ chồng ngẫm nghĩ quả các cụ nói không sai “Con gái là con người ta”, nuôi lớn, cho ăn học xong xuôi thì đi lấy chồng. Hơn 20 năm ở cùng mẹ con gái có phải lo việc gì đâu, cơm nước, quần áo mẹ đều lo hết. Con gái chỉ cần đi làm, lương tháng bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, không ăn bám bố mẹ là được rồi. Bất chợt, mẹ quay sang nhìn con dâu, con dâu cũng là con gái người ta mà – vậy mà tại sao con dâu khéo thế, chăm thế. Và mẹ chồng chợt nhận ra, từ trước tới nay mình quá nuông chiều con gái.

Socola

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Mắt trái giật

Cả từ khoảng thứ 2 đến hôm nay sao mắt trái cứ giật giật. Chẳng hiểu có chuyện gì xảy ra ở nhà không nữa?
Hy vọng là điềm lành chứ không phải hung tin

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Từ Bi trong Đạo Phật là gì ?

Từ bi là Hán dịch của chữ Karunâ trong kinh sách tiếng Phạn. Từ là lành, hiền từ ; bi là thương xót, thương hại. Trong các sách Tây phương, viết bằng tiếng Anh cũng như tiếng Pháp, chữ Karunâ được dịch là Compassion. Chữ Compassion có gốc từ tiếng La-tinh làcompassio, có nghĩa là thương hại trước sự đau khổ của kẻ khác. Trong chữ compassion có chữ passion, chữ này có gốc từ chữ patior,một động từ trong tiếng La-tinh có nghĩa là khổ đau, đau đớn.

Như đã giải thích trong phần nhập đề trên đây, Từ bi không phải vỏn vẹn là một « đức tính » dù đó là « đức tính từ tâm », cũng không phải là một thứ « xúc cảm », say mê hay đam mê (passion) theo ngôn từ Tây phương. Từ bi cũng không phải là một thứ « tình cảm thụ động » làm ta tê liệt trước khổ đau của chúng sinh, cũng không hẳn là một « khuynh hướng tinh thần » muốn chia bớt và nhận chịu khổ đau của kẻ khác.
            Vậy Karunâ hay Từ bi trong Phật giáo là gì ?
            Karunâ trong Phật giáo là khả năng nhận thức rằng mọi sinh linh có giác cảm, từ con người cho đến đến các sinh vật khác đều gánh chịu khổ đau, khi nào tất cả các sinh linh ấy chưa được Giác ngộ và Giải thoát, thì Từ bi chính là ước vọng mảnh liệt thúc đẩy ta phải Giải thoát cho tất cả mọi chúng sinhtrong đó có cả tara khỏi khổ đau.
            Vì thế Từ bi không có nghĩa đơn giản là « xót thương » kẻ khác một cách thụ động và tiêu cực, mà ngược lại Từ bi là một sức mạnh tích cực đưa ta thẳng vào hành động, trong mục đích loại trừ mọi thể dạng của khổ đau và mọi cội rễ của khổ đau.
            Khi Phật Thích-ca Mâu-ni đạt được Giác ngộ, quyết tâm và phát nguyện đầu tiên của Ngài chính là Karunâ, tức là lòng Từ bi, Ngài quyết định thuyết giảng cho chúng ta « Con đường đưa đến chấm dứt khổ đau » (tức là Đạo đế, điều thứ tư trong Tứ diệu đế).
            Khía cạnh cao đẹp của Từ bi hay Karunâ cũng là một trong những chân lý cao cả hơn hết của Đạo Pháp : khổ đau không phải là một định mệnh, khổ đau có thể tránh khỏi, ta có thể tự giải thoát được, và tất cả mọi chúng sinh đều có thể thực hiện được sự Giải thoát đó, không phải chỉ riêng có Phật mà thôi (đây là các điều 1,2 và 3 trong Tứ diệu đế : Khổ đếTập đế và Diệt đế).
            Nếu không có Từ bi, biết đâu có thể cũng không có Phật, cũng không có Đạo Pháp và cũng chẳng có Tăng đoàn. Vì sao vậy, vì chính Phật là Từ bi, chính Phật lại giảng cho ta Đạo Pháp của Từ bi và Tăng đoàn đứng ra duy trì Đạo Pháp. Từ bi chính là hiện thân củaTam bảo. Có thể nói Từ bi chính là sự Giác ngộ vậy.
            Đến đây, ta có thể nhận thấy Từ bi không phải đơn giản chỉ có sự xót thương và chia xẻ khổ đau với kẻ khác, dù cho đi kèm với bố thí cũng thế. Từ bi trong Đạo Phật cao cả lắm, tích cực lắm và mảnh liệt hơn những gì ta hiểu một cách thông thường. Từ bi là một sức mạnh thiêng liêng, siêu việt đưa đến Trí Tuệ. Nhưng Trí Tuệ là gì ? Trí Tuệ là một khí cụ toàn năng giúp ta xóa bỏ Vô minh. Xoá bỏ Vô minh tức là đạt được Giác ngộ. Đạt được Giác ngộ tức là thành Phật.
            Đối với các trường phái Phật giáo Nam tông, chẳng hạn như Phật giáo Theravada, Từ bi chứng thực và bảo đảm hành giả là một « đệ tử đích thực » của Phật, một « người con » của Phật, một người biết giữ gìn Giới luật, biết trau dồi một tâm thức tích cực bằng Bốn Phạm Trú (còn gọi là Tứ Vô lượng tâm). Bốn Phạm trú ấy là Từ vô lượng (maitrî) : tâm lành hướng về mọi chúng sinh ; Bi vô lượng(karunâ) : xót thương và cứu giúp tất cả chúng sinh ; Hỷ vô lượng (muditâ) : tâm thức vui mừng và hân hoan khi nhận thấy những đìều lành của chúng sinh ; Xả vô lượng (upeksâ) : buông thả tất cả những gì của chính ta cho chúng sinh (chữ này được giải thích hơi khác trong các kinh sách Tây phương : chữ Upeksâ được dịch ra tiếng Pháp là Equanimité, tức tâm thức trong sáng, bình đẳng không phân biệt và kỳ thị).
            Đại TừĐại biĐại hỷ và Đại xả là bốn liều thuốc hoá giải chống lại những thái độ sai lầm. Đại từ hoá giải ý nghĩ « sống chết mặc bay », Đại bi hóa giải ý nghĩ « mặc kệ họ cứ đau khổ, chẳng dính líu gì đến ta ». Đại hỷ không cho phép ta cảm thấy « càng thích thú khi kẻ khác gánh chịu sự đau khổ, đáng đời cho họ ». Đại xả đem đến cho ta những xúc cảm trong sáng và bình đẳng, hoá giải ý nghĩ « cái này của ta, của gia đình ta, của bạn bè ta, không tội gì mà buông xả cho người dưng nước lã hay vì kẻ khác ».
            Phật giáo Tây tạng thường đưa ra hình ảnh sau đây để giải thích thế nào là lòng Từ bi và thế nào là một cái nhìn đúng đắn. « Nếu có một người cầm gậy đánh ta, ta không kết tội chiếc gậy đã làm cho ta phải đau đớn, ta cũng không kết tội kẻ đã cầm gậy đánh ta,…mà ta phải kết tội sự nóng giận đang chi phối, thúc đẩy và hành hạ người đang cầm gậy đánh ta ». Nếu ta biết kết tội sự nóng giận đang giày vò người cầm gậy, tức là ta phát lộ lòng Từ bi đối với họ. Chính hận thù và giận dữ đang tàn phá họ và làm cho họ khổ đau. Từ bibuộc ta phải giúp họ trút bỏ sự giận dữ và hận thù trong lòng họ và quên đi những đau đớn của ta.
            Đấy là một cái nhìn đúng đắn, cái nhìn của một người con Phật. Từ bi là như thế, không phải đơn giản là một thứ tình cảm xót thương.
            Nói chung, Từ bi trong các trường phái Đại thừa là thái độ và cái nhìn đã được trình bày trên đây. Đó là phẩm tính cao cả của người Bồ-tát, là trọng tâm của sự Giác ngộTừ bi được tượng trưng bởi Phật A-Di-Đà (Phật giáo Nhật bản gọi là Amiba), và bởi Bồ-tát Quán-Thế-Âm, tiếng Phạn là Avalokiteshvara, danh hiệu tiếng Phạn của Ngài là Lokesvara. Phật giáo Tây tạng gọi Quán Thế Âm là Tchenrezi, Phật giáo Trung hoa gọi là Quan Âm (Guanyin), Phật giáo Nhật bản gọi là Kannon. Quan Âm trong Phật giáo Trung hoa, Nhật bản, Việt Nam… được tượng trưng bằng một người phụ nữ. Kể lể như thế để ta có thể hình dung Từ bi trong Phật giáo nói chung, kể cả Nam tông và Bắc tông, có tầm quan trọng như thế nào. Từ bi chẳng những là thức ăn nuôi dưỡng người Bồ-tát mà còn là sự biểu lộ của Phật tính, củaGiác ngộ nữa. Trong phần thứ hai dưới đây ta thử bàn rộng thêm về Từ bi xem sao.
 2. Luận bàn về Từ bi

            Đạo Phật là Đạo của Trí Tuệ, vậy Từ bi liên hệ như thế nào với Trí Tuệ ?
            Trước hết ta cần hiểu Trí tuệ là gì. Trí tuệ hay Trí huệ còn gọi là Huệ, Tuệ minh, hay là Chiếu thấyTrí tuệ còn được gọi là Bát-nhã, Bát-lại-nhã, Ban-nhã, Ba-lại-nhã, Bát-thích-nhã v.v. đó là các cách dịch âm khác nhau của chữ Prajnã trong tiếng Phạn. Vậy Trí tuệ hay Bát-nhã khác với trí Thông minh như thế nào ?
            Ta thấy có rất nhiều người thật « thông minh », tâm thức của họ rất linh hoạt : nhớ giỏi, hiểu nhanh. Họ có khả năng lý luận vững chắc, sáng chế được nhiều thứ, hoặc bày ra được nhiều việc. Họ có khả năng học hành tốt, biết nhiều, thi đậu bằng cấp cao, điều khiển giỏi…Ta có thể kể thêm trong số họ có các triết gia, các học giả, các nhà khoa học v.v…họ sáng suốt và thông minh gấp bội so với chúng ta. Trong khi đó, cũng có một số người khác có tâm thức ù lì hơn, chậm chạp hơn, học hành khó khăn hơn…Tất cả đều do nơi nghiệp của mỗi người đã đưa đẩy họ vào những cơ duyên hiện tại liên đới và ảnh hưởng đến phần tâm thức của họ. Có thể kể những cơ duyên đó gồm có sự dinh dưỡng, giáo dục, môi trường…chẳng hạn. Nói chung ta gọi những khả năng tâm thức linh hoạt ấy của từng người là « trí thông minh » của họ.
            Cái « trí thông minh » đó có phải là Bát-nhã hay không ? Có phải là Trí tuệ hay không ? Xin thưa là không. Trí tuệ trong Phật giáo là một thứ Tri thức tối thượng, hoàn hảo, không có gì cao hơn, không có gì so sánh được, không có gì ngang hàng (vô thượng, vô tỷ, vô đẳng) giúp người tu học nhìn thấy trực tiếp, quán nhận trực tiếp Sự thật Tuyệt đối của mọi vật thể và mọi hiện tượng. Sự thật mà ta thấy chung quanh ta, trên thân xác ta và trong tâm thức ta chỉ là những Sự thật Tương đối, những sự thực này luôn luôn biến động, vướng mắc, được tạo tác bằng nhiều điều kiện, liên tục được sinh ra, biến đổi, thoái hoá và bị hủy diệt, rồi lại tiếp tục được sinh ra bằng những điều kiện khác trong những dạng thể hay hình tướng khác.
            Cái « trí thông minh » mà ta nhận thấy nơi mỗi người, trong số đó kể cả các nhà khoa học, các nhà thông thái hay các triết gia…chỉ là trí thông minh dựa vào sự hiểu biết về thế giới biến động, tức thế giới của Sự thực Tương đốiTrí tuệ theo định nghĩa Phật giáo không do lý luận mà có, không do học hỏi trong sách vở mà có. Trí tuệ hay Bát nhã là một khả năng siêu việt, quán nhận trực tiếp được Tánh Khôngcủa mọi vật thể và mọi hiện tượng, tức là nhìn thấy được Sự thực Tuyệt đối và tối hậu của thế giới hiện tượng chung quanh ta và trong tâm thức ta.
            Sau khi đã xác định thế nào là trí thông minh và thế nào là Trí tuệ, ta lại trở về câu hỏi đã được đặt ra trên đây : Tại sao Từ bi và Trí tuệ lại liên hệ với nhau ?
            Ta nhận thấy chung quanh ta, ngoài những người khù khờ, chậm chạp, hiền lành, cũng có những người rất hung dữ, gian tham, độc ác, nham hiểm, biển lận, khát máu, tàn bạo, vô lương tâm…Những người độc ác này chưa hẳn là họ không « thông minh ». Trái lại, họ có thể rất « thông minh », họ có thể là những tên điếm đàng, ăn cắp, bất lương, lường gạt, biển lận…họ cũng có thể là những nhà lãnh đạo hoạt bát, các nhà bác học, các nhà khoa học, các bạo chúa, các nhà tài phiệt khôn ngoan, các con buôn lanh lợi, các người đội lốt tu hành v.v… Tâm thức họ rất linh hoạt, trí nhớ vượt bực, lanh lợi khác thường, tráo trở, lật lọng, nói dối không ai biết…nói chung là « cái trí thông minh » của họ hơn hẳn một số người khác đang phải gánh chịu sự lường gạt, điều khiển và khống chế của họ. Cái trí thông minh như vừa kể không phải là Trí Tuệ, nó có thể phát triển trên bất cứ một mảnh đất nào, đặc biệt rất phù hợp với những mảnh đất của hung dữ, dối trá, biển lận hay bất lương.
            Ngược lại, Trí tuệ hay Bát nhã chỉ có thể phát triển trong một tâm linh an bình, trong sáng, tràn ngập lòng Từ bi mà thôi. Vì vậy Từ bi là mảnh đất duy nhất mà ta có thể đem gieo hạt giống của Trí tuệ, vì Trí tuệ chỉ có thể nẩy mầm và lớn lên trong mảnh đất của Từ bi.
            Tóm lại, Từ bi là một con đường cho người tu học bước lên, một phương tiện cho họ xử dụng, một mảnh đất cho họ vun xới. Con đường càng rộng rãi, phương tiện càng tinh xảo, mảnh đất càng phì nhiêu thì Trí tuệ lại càng nẩy nở và thăng tiến nhanh hơn.
            Từ bi là điều kiện bắt buộc và không thể thiếu sót của Trí tuệTừ-bi-Trí-tuệ luôn luôn đi đôi với nhau, gắn bó với nhau, hỗ trợ cho nhau. Vì vậy, tu tập trước hết phải khơi động lòng Từ bi trong ta để đưa ta đến Trí tuệ. Đến đây, ta có thể phân biệt được « một người hung dữ và thông minh », « một người vô tâm (ích kỷ) và thông minh », « một người từ bi và thông minh » khác nhau như thế nào.
Ta vẫn thường nghe những người chung quanh nói đến bốn chữ từ bi hỷ xả. Tôi để ý thấy những người này nói đến bốn chữ từ bi hỷ xả khi gặp một khó khăn nào đó, chẳng hạn bị kẻ khác hành hung, lường gạt v.v… Trong khi họ không có thể làm gìkhác hơn, họ chỉ biết thốt lên bốn chử từ bi hỷ xả để tha thứ cho kẻ gây ra những chuyện nghích ý với họ. Chẳng những hành động này chẳng có gì là từ bi, cũng chẳng có gì gọi là tích cực cả mà còn hoàn toàn đi ngược và lạm dụng một cách sai lầm bốn chữ từ bi hỷ xả trong Đạo Pháp. Từ bi hỷ xả không mang ý nghĩa theo họ tưởng.
            Như đã trình bày trong phần một, từ bi hỷ xả là Tứ phạm trú hay Tứ vô lượng tâm (brahma-vihâra) : Từ vô lượngBi vô lượng,Hỷ vô lượng và Xả vô lượng, tức bốn đức tính của tâm thức mà ta phải vun xới bằng tu tập và thiền định lâu dài, không phải bốn chữ dùng để tự an ủi hay an ủi kẻ khác khi gặp khó khăn. Nếu không nhớ Tứ vô lượng tâm là gì, xin người đọc xem lại định nghĩa của các chữ này trong phần một.

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Học cách quên

 Đời người không phải lúc nào cũng được như ý, muốn bản thân vui vẻ, đôi khi việc giảm áp lực cho chính mình là điều cần thiết và cách để giảm áp lực tốt nhất chính là học cách quên, bởi trong cuộc sống này có những thứ cần nhặt lên và bỏ xuống đúng lúc. Trong kinh Phật có một câu chuyện kể rằng: tiểu hòa thượng và lão hòa thượng cùng đi hóa duyên, tiểu hòa thượng lễ độ cung kính, việc gì cũng đều nhìn theo sư phụ. Khi tới bờ sông, một cô gái muốn qua sông, lão hòa thượng đã cõng cô gái qua sông, cô gái sau khi cảm ơn thì đi mất, tiểu hòa thượng trong lòng cứ thắc mắc “ Sư phụ sao có thể cõng một cô gái qua sông như thế?”. Nhưng cậu ta không dám hỏi, cứ thế đi mãi được 20 dặm, cậu ta thực sự không kìm được đành hỏi sư phụ: “Chúng ta là người xuất gia, sao thầy có thể cõng một cô gái qua sông?” Sư phụ điềm đạm nói: “Ta cõng cô gái qua sông thì bỏ cô ấy xuống, còn ngươi thì đã cõng cô gái ấy 20 dặm rồi vẫn chưa bỏ xuống.”

Lời nói của lão hòa thượng đầy thiền ý, hàm chứa trong nó chính là nghệ thuật nhân sinh. Cuộc đời con người giống như một cuộc hành trình dài, không ngừng bước đi, ven đường nhìn thấy vô vàn phong cảnh, trải qua biết bao những gập ghềnh, nếu như đem tất cả những nơi đã đi qua đã nhìn thấy ghi nhớ hết trong lòng thì sẽ khiến cho bản thân mình chất chứa thêm rất nhiều gánh nặng không cần thiết. Sự từng trải càng phong phú, áp lực càng lớn, chẳng bằng đi một chặng đường quên một chặng đường, mãi mãi mang một hành trang gọn nhẹ trên đường. Quá khứ đã qua, thời gian cũng không thể quay ngược trở lại, ngoài việc ghi nhớ lấy những bài học kinh nghiệm, còn lại không cần thiết để cho lòng phải vướng bận thêm.

Sẵn sàng quên đi là một cách cân bằng tâm lý, cần phải chân thành và thản nhiên đối mặt với cuộc sống. Có một câu nói rất hay rằng tức giận là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình, cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình, bởi lẽ đó để có được niềm vui và cuộc sống thanh thản  ta không nên truy cứu lỗi lầm cũ của người khác.

Rất nhiều người thích câu thơ : “Xuân có hoa bách hợp, thu có trăng. Hạ có gió mát, đông có tuyết”. Trong lòng không có việc phải phiền lo mới chính là mùa đẹp của nhân gian. Nhớ những cái cần nhớ, quên những cái nên quên, sống cuộc sống cởi mở, trong lòng không vướng mắc thì cuộc sống này sẽ thật tươi đẹp.
                                                                                                                                 Giang Nhất Yến