Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

Có con ngưỡng mộ mình như vầy thì còn gì bằng nhỉ?

Chuyện tình của ba mẹ tôi
Không bao giờ ba đi chơi với bạn bè mà để mẹ phải ăn cơm một mình hay để mẹ chờ khuya, nhất định ba sẽ về sớm. Nếu bạn bè của ba có dẫn vợ đi chơi cùng thì nhất định mẹ đều tham dự. Từ cuộc sống của ba mẹ tôi như vậy nên tôi luôn muốn có được hạnh phúc như họ. (Nguyễn Tuấn)
From: Nguyễn Tuấn 
Sent: Saturday, June 26, 2010 11:21 PM

Thật sự tôi còn rất trẻ, là chàng thanh niên 24 tuổi, sắp tốt nghiệp đại học. Kinh nghiệm sống của tôi còn rất ít nhưng đôi khi cũng muốn vào mục Tâm sự để xem mọi người cảm nhận về cuộc sống này như thế nào. Đa số tôi vào xem đều thấy những câu chuyện không vui về cuộc sống gia đình. Tôi mạn phép tự cho mình là biết một câu chuyện tình đẹp nhất mà tôi biết, không biết mọi người có thích nghe không vì tôi thật sự hạnh phúc về điều đó.
Bố mẹ tôi chỉ là những người bình thường, không làm công nhân viên chức nhà nước mà chỉ mở một cửa hang tạp hóa nhỏ ở quê. Hằng ngày bố mẹ tôi cùng làm việc với nhau và gắn kết với nhau bao nhiêu năm qua, hai người nói chuyện bên nhau từ ngày này qua tháng nọ, trong họ luôn có sự hài hước và tin tưởng lẫn nhau. Mẹ tôi đi xa bao giờ cũng nói để ba ở nhà mẹ không yên tâm và ngược lại ba tôi đi xa chừng một ngày là nhắc đến mẹ.
Thời tuổi thơ trong tâm trí tôi là những ngày đi chơi cùng ba mẹ và bạn bè của ba mẹ, hai người luôn trẻ trung yêu thích ca hát và tổ chức các buổi họp mặt bạn bè rất vui. Mẹ tôi rất ít khi phàn nàn về chuyện nhậu nhẹt của ba, vì ba bao giờ đi nhậu về cũng nói chuyện thủ thỉ vui vẻ với mẹ. Mẹ gọi điện đến bạn của ba đều rất nhẹ nhàng để chỉ hỏi ba đang nhậu ở đâu, chính vì đó bạn ba tôi rất quý mẹ.
Tình cảm ba mẹ dành cho nhau tôi thực sự khó diễn tả được, mối tình của hai người bạn thực sự. Lo lắng cho nhau, yêu thương nhau và chỉ hạnh phúc khi ở bên nhau dù bây giờ hai người đều ngũ tuần. Gần đây nhất, ba mẹ có chuyển đi đến sống ở một thành phố khác, công việc có chút đổi thay, nên tôi hỏi mẹ: “Mẹ có thấy chuyển đến chỗ mới có buồn không, vì bạn bè mẹ ở quê hết lấy ai mà mẹ chuyện trò như mọi ngày?”. Mẹ trả lời trong tiếng cười: “Có ba con ở đây rồi mà còn buồn gì nữa”.
Tôi cảm thấy rất vui mừng và an tâm vì ba mẹ đang ở xa. Tất nhiên trong gia đình ba mẹ tôi đôi khi cũng có lớn tiếng với nhau chút ít nhưng hiếm khi lắm, tôi chỉ nhớ trên đầu ngón tay. Dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào ba mẹ tôi đều xưng hô với nhau là anh - em, chưa bao giờ ba tôi trừng mắt nhìn mẹ, chưa bao giờ động tay chân với mẹ. Ba đối xử với mẹ trong mắt con cái không phải là chồng với vợ mà là mẹ là “người tình trăm năm” của ba. Cho chúng tôi thấy thực sự mẹ là người yêu của ba chứ không là một người vợ bình thường.
Tuy không phải giàu sang, nhưng phong cách sống của ba mẹ tôi rất cao quý, bạn bè và hàng xóm láng giềng rất quý mến và nể trọng. Mẹ có gia đình và con cái lớn nhưng mẹ rất biết ăn mặc đẹp, chuẩn mực, ăn nói rất lịch thiệp khi đi bên ba. Có lẽ mối tình đó như kim cương được kết tinh từ bao nhiêu gian khó trước đây, từ sự thủy chung mà mẹ dành cho ba. Khi mẹ bị gai cột sống ở tuổi 50, ba nói chuyện với tôi như thể rằng ba sẵn sàng bỏ hết những kế hoạch làm ăn để chỉ chăm sóc mẹ. Nhưng may sao mẹ tôi không bị mà chỉ do thiếu chất canxi.
Tôi rất yêu ba vì ba yêu mẹ và ngược lại. Cả cuộc đời món quà lớn nhất mà tôi nhận được không chỉ là kết quả của mối tình đẹp đó mà còn học hỏi được từ lối sống đẹp mà ba mẹ tôi dành cho nhau. Ngày thường ba không phân biệt chuyện nào là của phụ nữ chuyện nào là của đàn ông, ba không biết nấu ăn nhưng ba có thời gian là phụ cả nhà rửa chén. Chưa bao giờ ba nhậu xong mà để mình mẹ dọn dẹp hay để tôi hay chị dọn. Ăn xong ba luôn tự dọn, còn mẹ thì dành dọn. Nhưng bù lại mẹ rất đảm đang, nấu ăn ngon nhất hành tinh và chăm lo rất chu đáo, lo cho ba từng bữa ăn ngon, mỗi sáng mẹ đều hỏi ba ăn gì? Rồi họ ăn sáng cùng nhau.
Ba tôi biết quý trọng và tôn vinh vẻ đẹp của mẹ cũng như mẹ nể phục người đàn ông bản lĩnh, thông minh như ba (ba tôi không làm nhà nước nhưng con người ông rất giỏi giang và sống rất rộng rãi, nhiều bạn bè khác nhau quý mến). Khi đi học xa về nhà, được ăn bữa cơm với ba mẹ thật vui. Vui vì thấy ba mẹ đều cười nói vui vẻ bên nhau dù tuổi không còn trẻ. Tập thể dục còn đứng sát bên nhau tập chung.
Không bao giờ ba đi chơi với bạn bè mà để mẹ phải ăn cơm một mình hay để mẹ chờ khuya, nhất định ba sẽ về sớm. Nếu bạn bè của ba có dẫn vợ đi chơi cùng thì nhất định mẹ đều tham dự. Từ cuộc sống của ba mẹ tôi như vậy nên tôi luôn muốn có được hạnh phúc như họ.
Con yêu ba mẹ nhiều, nhất định con sẽ không phụ công sinh thành và dưỡng dục của ba mẹ. Chúc ba mẹ luôn khỏe mạnh và hạnh phúc bên nhau.

Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

Mình thật tệ

Hôm nay mình đã làm bà xã và cả nhà mình buồn và thất vọng.Nếu đỗ lỗi cho hoàn cảnh cũng được nhưng mình không thích làm thế. Đáng lẽ mình đã có thể làm tốt hơn thế. Vào thời điểu bà xã gọi cho mình thì nếu mình mạnh dạn hơn thì mình có thể nhưng ăn và để mặc mọi người để chat với em và gia đình xong rồi quay lại ăn tiếp. Đàng này mình đã hẹn xong rồi lại quên bén luôn. Đến khi sực nhớ lại thì mọi chuyện đã rồi. Bà xã mình lại mắn vốn là mình cho bà xã leo cây lần thứ 2. Mình cảm thấy có 1 cảm giác vô cùng tội lỗi vì chỉ vì niềm vui của bản thân, suy ra là ích kỷ, mà để mặc người khác, mặc cho là vô ý hay vô tình, cũng đã làm người khác tổn thương dù là nhỏ nhất. Có câu " tích tiểu thành đại", mình không biết chắc nhưng đoán rằng trong lòng bà xã đang rất buồn về mình. Dạo này bà xã bị áp lực tứ phía, chẳng những mình không là chỗ dựa tinh thần cho cô ấy, mà mình lại là 1 trong những áp lực đẩy mạnh về phía cô ấy. Mình đoán cô ấy đang nhịn mình và đang muốn xoa dịu tình hình. Mình phải làm sao đây để cô ấy có thể trút bầu tâm sự thật đã? Nói hết, nói tút tuồn tụt ra với mình, nhưng điều cô ấy nghĩ, đang chịu đựng và phẫn uất tích tụ trong lòng từ bấy lâu nay. Mình đã có thể là 1 chỗ dựa tốt cho cô ấy, nhưng thực tại mình chưa làm được. Mình mong mình có thể hiểu cô ấy hơn, có thể đặt mình vào hoàn cảnh của cô ấy để suy nghĩ như cô ấy, để mà đồng cảm được với cô ấy, nhưng điểu cô ấy làm. Mong muốn là thế nhưng thực tế mình luôn cảm thấy cô ấy luôn làm phức tạp mọi chuyện lên.
Mình luôn muốn khen cô ấy và đã khen. Nhưng sự nhạy cảm của cô ấy quá cao vì tiếp xúc liên tục với kiểu ăn nói của nhà mình, làm cho cô ấy cứ có cảm giác bị nói xỏ nói xiêng. Mình hoàn toàn không hề có ý thế, nhưng cô ấy lại thường hiểu thế. Vì thế khi mình và cô ấy nói chuyện với nhau, chỉ được chục câu là bắt đầu gây, rồi dẫn đến tranh cải. Mình muốn được nói chuyện 1 cách tình cảm với cô ấy, nhưng sự phản ứng của cô ấy như 1 rào cản vô hình với mình. Mình như muốn bên cạnh cô ấy để cô ấy sà vào lòng mình như trước, để cô ấy có thể vừa mít ướt vừa kể lể cho mình nghe những chuyện khó nói của cô ấy. Có lẽ mình đang ao ước 1 điều không thể.
Mình cảm thấy đang thực sự đối mặt với sự bế tắt trong việc tìm giải pháp cho sự căng thẳng giữa mình và cô ấy trong suốt thời gian qua.

Mình chỉ có 1 mong muốn, hay cũng có thể gọi là 1 yêu cầu nho nhỏ, với cô ấy, đó là mình mong những gì cô ấy nói không trực tiếp với mình, thì cô ấy có thể viết tất cả ra blog này, để mình có thể nắm bắt tình hình và hoàn cảnh cập nhật của cô ấy hơn. Chứ như trong thời gian qua thì quả thật là nguy.

Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010

Sửa 'lời ăn tiếng nói'

Người xưa có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, hãy vận dụng 5 bí quyết sau để biết cách ăn nói hợp lòng người!
1. Nói “xin chào”, “cảm ơn”, “xin lỗi” vào những lúc cần thiết. Điều này tưởng dễ nhưng rất nhiều người quên.
Bạn có thể nghĩ rằng đây chỉ là những lời nói xã giao. Và vì thế, nhiều khi bạn rất kiệm lời với người khác, đặc biệt là những người đã trở nên thân thuộc với bạn. Bạn có nghĩ rằng ngay cả đứa bạn thân của bạn từ thời còn “mặc quần thủng đít”, hiểu rõ bạn như lòng bàn tay hay đứa em bé xíu của bạn cũng sẽ cảm thấy rất vui nếu bạn nói với chúng điều đó. Ví dụ nhé, bạn đang nghe điện thoại, bạn cần ghi lại số của một ai đó, bạn nhìn thấy đứa em 5 tuổi của bạn đang lởn vởn ngoài bàn học và bạn nhờ nó: “Bé ơi, lấy cho chị cái thước kẻ ngoài bàn kia.”. Khi bé mang thước đến cho bạn, tại sao bạn không nói: “Chị cảm ơn bé nhiều nhé!” thay vì bỏ lơ cô bé và tiếp tục cuộc “buôn” của mình.
Có một điều bạn nên hiểu, mọi con người đều cần phải được đối xử bình đẳng. Bất cứ khi nào, kể cả lúc bận rộn nhất, chỉ cần bạn sao nhãng hay lười nhác làm chuyện gì, nó sẽ dần dần biến thành thói quen khó thay đổi. Hãy cứ luôn ghi nhớ những phép lịch sự bình thường trong cuộc sống:
“Nói “xin chào” với tất cả mọi người khi bạn gặp họ. Nói cảm ơn khi ai đó làm gì cho bạn. Và “xin lỗi” khi bạn mắc lỗi lầm”.
2. Đừng tiếc lời khen
Tục ngữ Việt Nam có câu:
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
Tâm lí chung của con người là thích được động viên, khích lệ và đánh giá cao. Rõ ràng, một người được sống trong không khí cởi mở, thường xuyên được khen thưởng sẽ thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn là người luôn phải sống trong những lời chê bai, dè bỉu. Bạn đừng coi thường tác dụng của lời khen. Nó tác động với trung khu thần kinh của con người và tạo nên sự hưng phấn,tích cực hoạt động. Ngay khi bạn khen một người là bạn đã giúp họ có thêm động lực trong cuộc sống, học tập. Đồng thời, họ cũng có cái nhìn thiện cảm với bạn. Vì vậy, hãy đừng tiếc lời khen.
Tuy nhiên, bạn phải nhớ rằng, “không tiếc” không có nghĩa là “phung phí’, “bừa bãi”. Vì khi lời khen đi quá sẽ làm cho người được khen tự mãn. Còn nếu lời khen không đúng sự thật thì bạn biết rồi đó, người ta sẽ dễ dàng nhận ra bạn là một kẻ “nịnh hót”!
Giả dụ nhé: Bạn có một đứa em và chẳng may...chữ của nó xấu tệ hại! Khi bạn rèn chữ cho nó, nếu con bé đã cố gắng và tiến bộ (cho dù là rất nhỏ), hãy cứ thường xuyên khen nó: “Chữ bé càng ngày càng đẹp hơn rồi đó. Tiếp tục cố gắng thì sẽ đẹp như chữ của bạn Na đó!”. Còn nếu bạn đã vội khen: “Oa! Chữ bé đẹp ghê! Nếu chị là cô giáo, chị cho bé xếp nhất lớp, 10 điểm luôn đó!” thì bé sẽ vội đắc ý và không còn muốn rèn luyện tiếp nữa.
3. Hãy chỉ nói những gì bạn làm đươc
Nếu không, bạn sẽ trở thành một kẻ khoác lác! Người xưa có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Biết rõ bản thân mình cũng là một nghệ thuật. Khi bạn nhìn rõ khả năng và cả nhưng điểm yếu của mình, khi phát ngôn ra, chắc chắn bạn sẽ chỉ nói những lời từ tốn và hợp lí. Hơn tất cả, khi bạn nói và làm được chắc chắn 100%, mọi người sẽ đánh giá bạn là một người có trách nhiệm, nghiêm túc và có uy tín.
Khi bạn nói quá những việc ngoài khả năng của mình, bạn đã là một kẻ “nói khoác tới tận mang tai” trong mắt người khác rồi đấy. Kể cả khi đang cực kì hưng phấn, bạn cũng đừng nên “nổ” quá đáng, nhất là giữa đám đông. Khi họ phát hiện ra bạn nói không đúng sự thật, họ sẽ cười cợt bạn đấy.
Khi bạn hứa với ai đó chắc chắn về một khả năng, bạn phải chắc là mình làm được. Nếu không, người ta sẽ đánh giá bạn là kẻ thiếu trách nhiệm và hãy tin đi, đến 99% trong những lần sau, không ai còn muốn hợp tác với bạn nữa.
Minh hoạ nha:
Cô giáo giao cho tổ bạn làm Tập san của lớp. Đây là lần đầu tiên tổ bạn phụ trách công việc này, trong đó có một phần quan trọng là trang trí Tập san. Mặc dù không rành trong lĩnh vực này nhưng bạn vẫn xung phong nhận vì: “ Yên tâm. Tớ nhờ anh tớ làm hộ cho. Đảm bảo tuyệt cú mèo!”. Chẳng may, anh bạn lại có chuyến thăm quan đột xuất. Nhưng bạn vẫn cố chờ đến khi anh ý về. Về thì anh bạn lại ốm,vậy là...bạn cuống lên. Ngày mai đã là hạn nộp rồi. Và cả ngày hôm đó, các thành viên trong tổ è lưng ra làm gấp gáp, cẩu thả. Kết quả là...xấu tệ!
4. Cẩn thận với các từ “lóng”. Tránh nói tục hay dùng các từ ngữ bóng gió, mỉa mai.
Càng là teen thì bạn càng hay dùng tiếng “lóng”. Nhiều khi, đó là ngôn ngữ chung chỉ do một nhóm hay một vài người nghĩ ra, dùng với nhau và hiểu với nhau. Tất nhiên, đối với các bạn, sử dụng những từ ấy rất vui và thấy mình đặc biệt. Nhưng hãy nhớ này, và nhớ cho kĩ nhé, nếu không muốn bị đánh giá xấu, đừng bao giờ dùng ngôn ngữ “lóng” với 3 đối tượng: người lớn, trẻ nhỏ và người nghiêm túc! Rõ ràng, người lớn không chấp nhận cách nói đó của bạn và sẽ sửa bạn đến cùng. Trẻ nhỏ thì có thể sẽ bắt chước bạn, không tốt chút nào. Người nghiêm túc thì sẽ coi thường bạn.
Nói tục là căn bệnh cần phải chữa ngay lập tức của teen. Nó làm mất đi nét đẹp học đường. Chỉ cần một phát ngôn “tục” của bạn thôi cũng đủ để mọi người đánh giá về toàn bộ con người bạn. Đừng mắc sai lầm bạn nhé, hãy sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt quý báu của chúng ta một cách trong sáng!
Khi bạn nói bóng gió, mỉa mai, tức là bạn đã “đánh” vào nỗi đau hay sự thiếu sót của một người. Người Việt có câu: “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, tôi thà phải nhận lời nói “khó nghe” nhưng chân thực, thẳng thắn, còn hơn là bị người ta nói một cách gián tiếp, thiếu thẳng thắn. Khi bạn nói “bóng gió”, “mỉa mai” là bạn đã làm mất hình ảnh của mình trong lòng mọi người, kể cả những người không phải “nạn nhân” của bạn.
5. Không “buôn”. Không “buôn”. Không “buôn”.
Các bạn ạ, “nói dài. nói dai, thành ra nói dại”, cái gì cũng có giới hạn của nó. Nếu bạn biết về mối quan hệ giữa “lượng” và “chất” thì phải hiểu khi lượng vượt quá giới hạn, sẽ tất yếu dẫn tới sự biến đổi về chất. Mà sự biến đổi nào cũng không có nghĩa là sẽ tốt đẹp hơn.
Ví dụ nhé: Một người mới quen, qua vài lần nói chuyện với bạn qua loa, đánh giá bạn là một người rất từ tốn, nói chuyện rất “duyên”. Nhưng nếu, bạn bắt đầu “buôn” và “tám” một cách nhiệt tình với họ, họ sẽ sớm nhận ra những nhược điểm rất lớn của bạn. Chẳng hạn, “ăn nói như đi ăn cướp, tranh hết lời của người khác!”, “chưa nói đã cười, vô duyên thế!”. Tai hại quá bạn nhỉ?
Không phải ai cũng có thời gian hay thú vui “buôn” như bạn. Do vậy, bạn hãy biết nói vừa đủ để người khác không cảm thấy khó chịu về mình. Đối với những người bận rôn, bạn sẽ bị đánh giá là “kẻ rỗi hơi, lắm chuyện” . Nhớ nhé, khi đang nói chuyện nếu thấy người nghe bắt đầu có thái độ muốn “tẩu thoát” khỏi cuộc nói chuyện với mình (ngáp ngủ. không chú ý... chẳng hạn), hãy dừng lại đúng lúc! Khi nói chuyện, hãy để cho đối tác của bạn cùng tham gia vào câu chuyện, đừng chặn họng, cướp lời hay chiếm hết không gian nói của họ, có thế, cuộc hội thoại, dù kéo dài, cũng không trở nên nhàm chán.
H.C

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2010

10 SAI LẦM KHI CHỌN NGHỀ
 ảnh minh họa
Bạn có nghĩ rằng bạn biết tất cả những sai lầm nên tránh và những lời khuyên nên nghe theo khi lựa chọn nghề nghiệp? Nhiều người nghĩ rằng họ biết rõ đâu là con đường đúng nên đi nhưng rốt cuộc họ vẫn có những lựa chọn sai lầm.
 Ví dụ như 10 cách nghĩ dưới đây:
Lựa chọn nghề nghiệp là điều đơn giản
Mọi người chỉ nghĩ rằng thì mình thích làm gì thì mình chọn. Nhưng thực tế để chọn được một công việc phù hợp cần sự kết hợp của rất nhiều yếu tố và phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức để xem xét trước khi đưa ra quyết định. Lựa chọn nghề nghiệp là quá trình bao gồm nhiều bước, trong đó có hai bước quan trọng và cần thời gian nhất đó là hiểu rõ bản thân và tìm kiếm thông tin về ngành nghề bạn yêu thích nhất. 
Tư vấn sẽ lựa chọn giúp tôi ngành nghề phù hợp
Người tư vấn việc làm hay bất kỳ chuyên gia phát triển sự nghiệp nào cũng không thể nói cho bạn biết chính xác nghề nào phù hợp với bạn nhất. Họ chỉ có thể đưa ra cho bạn những hướng dẫn, định hướng trong việc lựa chọn để quyết định của bạn sẽ hoàn hơn hơn mà thôi. Mọi thứ đều phải từ suy nghĩ và mong muốn của bạn.
Tôi không thể sống bằng sở thích của mình được
Làm sao bạn biết được điều đó là đúng? Khi lựa chọn nghề nghiệp, để kiểm chứng rằng lựa chọn này là đúng thì mọi người thường dựa vào mức độ hứng thú với công việc. Đó là lý do tại sao bạn nên dựa vào sở thích của mình một phần trong quyết định lựa chọn nghề nghiệp.
Hơn nữa, mọi người có xu hướng chuyên sâu vào ngành nghề họ đam mê, mặc dù hầu hết những kỹ năng trong nghề đó đều được trau dồi từ thực tế thay vì học bài bản.
Tôi nên chọn một nghề đang được ưa chuộng
Hằng năm, đặc biệt là trong một số mốc thời gian quan trọng như là đầu một thập kỷ mới, có rất nhiều sách báo liệt kê ra những nghề “hot”được các chuyên gia dự đoán. Việc tham khảo những danh sách này cũng tốt nhưng bạn không nên sử dụng chúng để đưa ra quyết định với bản thân.
Bạn cũng nên biết rằng đa phần các dự đoán này dựa trên những số liệu thực tế nhưng mọi thứ có thể thay đổi và thay đổi rất nhanh. Thêm vào đó, bạn cần dựa vào sở thích, khả năng và kinh nghiệm bản thân có để đưa ra lựa chọn. Chỉ bởi vì bạn thấy nghề này có triển vọng trong tương lai, không có nghĩa rằng đó là nghề hợp với bạn.
Miễn là công việc lương cao là tôi sẽ vui
Không ai phủ nhận tầm quan trọng của lương, nhưng bạn không nên chỉ nhìn vào yếu tố này để lựa chọn nghề. Rất nhiều cuộc khảo sát đã cho thấy rằng tiền lương không thể đem lại sự thoải mái trong công việc.
Với nhiều người thì hứng thú với công việc của mình quan trọng hơn nhiều. Bạn nên cân nhắc đến vấn đề lương bổng cùng các yếu tố khác ngang bằng và đồng thời để có được đánh giá chính xác nhất về nghề nghiệp đó.
Một khi đã chọn thì tôi sẽ gắn bó với nghề đó suốt đời
Đó là điều hoàn toàn không nên và với nhiều người là không thể. Vì bất cứ lý do nào mà bạn cảm thấy không hứng thú với công việc đó, bạn luôn luôn có thể thay đổi, tìm một việc mới. Có thể nhiều cơ hội mới, tốt hơn đang đợi bạn ở một nơi khác. Nhiều người đã nhảy việc rất nhiều trong đời của họ và họ cũng đã rất thành công.
Nếu thay đổi ngành nghề thì các kỹ năng trước đây của tôi sẽ bị bỏ phí
Kỹ năng, kiến thức bạn có được ở nghề trước đây thì vẫn là của bạn và sẽ vẫn theo bạn chừng nào bạn còn biết cách sử dụng chúng. Mỗi công việc đòi hỏi một chuyên ngành riêng biệt nhưng người biết nhiều luôn làm việc hiệu quả và nhanh chóng hơn những người khác bằng cách này hay cách khác. 
Chọn nghề theo thành công của bạn bè hay người thân
Mọi người đều khác nhau từ tính cách, năng lực và sở thích vì thế nghề này thành công với người này chưa chắc đã là thành công với người kia. Thậm chí, khi hai người có nhiều điểm chung hay bạn thấy thích thú mỗi khi nghe kể về nghề của người đó thì chưa chắc công việc đó đã phù hợp với bạn. Hãy học hỏi và đưa ra quyết định cho riêng bản thân mình, thay vì dập khuôn lại.
Nếu chọn được việc đúng ngành đã học, tôi chắc chắn sẽ thành công
Nếu chọn được đúng ngành nghề thì bạn đã có được một khởi đầu tốt đẹp, nhưng để thành công trọn vẹn thì bạn còn rất nhiều việc phải làm. Một kế hoạch chi tiết để tiến tới thành công chính là lộ trình từ việc bạn lựa chọn nghề cho đến khi được nhận vào làm và tiến tới từng mục tiêu ngắn và dài hạn trong sự nghiệp.
Chỉ có làm việc thực tế mới biết được nghề nào hợp với tôi
Dĩ nhiên, kinh nghiệm luôn là ưu tiên số 1 bởi vì “trăm nghe không bằng một  thấy”. Tuy nhiên còn có rất nhiều cách khác để học hỏi về một nghề nghiệp bên cạnh trải nghiệm thực tế. Bạn có thể đọc sách báo, nói chuyện với những người có kinh nghiệm hay bạn có thể gửi hồ sơ đi một vài lĩnh vực khác nhau và tham gia phỏng vấn để có cái nhìn sơ bộ về những ngành nghề đó. Thực tế cũng cần có lý thuyết thì mới có thể thành công trọn vẹn.
Theo Dân Trí

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

Anh xã có một chút chuyện xảy ra với mình rồi?

Anh ui, blog của anh có nhận được nhiều sự góp ý không anh? Hôm qua em nhận cuộc gọi điện thoại của mẹ Sadec hỏi em. Mẹ được chị Cam báo về là anh Linh viết tâm sự trên blog và cảm giác "trách hờn" em. Anh có thể cho em biết chuyện gì xảy ra với anh không?

Thứ Năm, 15 tháng 7, 2010

Mười bí quyết thành đạt



No Images
Sau khi lấy bằng cử nhân, Peter vào làm nhân viên bán hàng cho một công ty in. Trong bốn năm tiếp đó, anh theo học một số lớp buổi tối tại một trường kinh doanh ở địa phương, và cuối cùng quyết định chuyển hướng nghề nghiệp sang lĩnh vực tài chính.

Anh chia tay với công việc với mức lương 50.000 đoạt mỗi năm để hoàn tất chương trình MBA (cao học quản trị kinh doanh) toàn thời gian. Một năm sau, anh tốt nghiệp với chuyên ngành tài chính kế toán, và được nhận vào làm tại một ngân hàng với chức vụ chuyên viên phân tích tín dụng với mức lương 35.000 đôla mỗi năm, thấp hơn nhiều so với mức 50.000 đôla khi anh còn là một nhân viên bán hàng.
Peter nhanh chóng bù đắp được mức chênh lệch ban đầu về lương và thẳng bước trên đường đạt mục tiêu gầy dựng sự nghiệp trong ngành tài chính. Hiện nay anh kiếm được 200.000 đôla mỗi năm vôi tư cách là một đối tác hợp danh trong một hãng môi giới đầu tư. Anh phải làm việc rất nhiều, thường là 55 giờ mỗi tuần, nhưng anh yêu thích việc mình làm.
Sau khi quyết định mình không muốn làm nhân viên bán hàng cho công ty in đến mãn đời, Peter đã tự chăm lo cho sự nghiệp của mình. Anh cho rằng mình có được bằng MBA là nhờ có lòng tự tin cao hơn, nhưng lại nghĩ rằng yếu tố quan trọng nhất giúp anh đạt được mục tiêu là "ngọn lửa thôi thúc trong lòng". Anh nhận ra một điều: Nếu ta thông minh, giỏi giang và năng nổ, thì không có giới hạn nào cho mức độ thành đạt cả.
Để thành đạt trong thị trường lao động ngày nay, bạn không thể dựa vào chủ của mình để quản lý sự nghiệp của bạn, như trường hợp của Peter ở trên. Hãy xem bản thân bạn là một "công ty một người" - bạn là tổng giám đốc, và công việc của bạn là phác thảo một chiến lược cạnh tranh khả thi cho "công ty một người " của bạn.
Muốn thành đạt trong môi trường cạnh tranh hiện nay thì cần phải có 10 kỹ năng mang tính chiến lược. Tùy tính chất công việc, bạn cần phải biết về kỹ năng chiến lược này nhiều hơn kỹ năng chiến lược khác (ví dụ, sử dụng thành thạo phần mềm phân tích dữ liệu là rất quan trọng đối với những nhà điều nghiên thị trường, có phần hơi quan trọng đối với những giám đốc phụ trách nhãn hiệu, và tương đối không quan trọng đối với các giám đốc kinh doanh). Tuy nhiên, bởi vì thị trường kinh doanh hiện nay đặt trọng tâm vào những nhóm đa chức năng, dù bạn có chuyên về ngành gì đi nữa, nếu muốn đạt hiệu quả thì cũng cần phải hiểu biết đôi chút về tất cả những kỹ năng mang tính chiến lược này:
1. Biết quản trị bản thân như một "công ty một người". Soạn ra một bản "tuyên ngôn sứ mệnh" định nghĩa rõ ràng về thành công cho bạn và gia đình bạn. Bạn đã đặt ra những mục tiêu cao hay chưa? Những giá trị nào quan trọng đối với bạn? Hãy xác định thứ tự ưu tiên cho những mục tiêu của bạn. Nếu đặt những mục tiêu như vậy thì bạn phải hy sinh, đánh đổi những gì (ví dụ, thu nhập hay chất lượng cuộc sống)? Nhớ bảo đảm sao cho những mục tiêu chuyên môn cho công ty một người của bạn phải phù hợp với bạn và gia đình bạn, và nhớ đừng bị "cám dỗ" đặt mục tiêu quá thấp. Hãy nhắm vào những cái đích cao. Bạn có thể ngạc nhiên về bản thân mình với những thành tựu mà bạn có thể đạt được.
2. Tiếp thu những kiến thức kinh doanh tổng quát. Chuyên môn ngành hẹp đã là chuyện lỗi thời. Để trở thành một thành viên hiệu quả trong một nhóm đa chức năng, ngoài lĩnh vực chuyên môn của mình, bạn cần phải hiểu biết căn bản về cách thức hoạt động của những phòng ban khác nhau trong doanh nghiệp. Đầu ra của một nhóm đa ngành thành công là một sản phẩm công việc phối hợp hoàn hảo, chứ không chỉ là sự gom góp những đầu vào chẳng liên hệ với nhau từ nhiều người có chuyên môn khác nhau.
Có thể bạn thuộc phòng tiếp thị, nhưng bạn cần một kiến thức căn bản về hạch toán chi phí. Nếu là dân chuyên về tài chính, bạn cũng nên hiểu biết về những cái lợi cái hại giữa việc bán sản phẩm trực tiếp thông qua lực lượng nhân viên bán hàng của mình và việc tiêu thụ thông qua hệ thống đại lý. Và trong môi trường hiện nay, tất cả mọi người trong một doanh nghiệp phải hiểu biết về những nguyên tắc của quản trị chất lượng.
3. Nắm bắt những kiến thức cụ thể về ngành hoạt động. Bạn phải hiểu đến đường tơ kẽ tóc về ngành của mình - ai là những đối thủ cạnh tranh chính, các công ty cùng ngành với mình cạnh tranh như thế nào, và công ty của bạn xác định vị trí như thế nào trong việc thỏa mãn khách hàng. Và điều quan trọng nhất là bạn phải tiên liệu những vấn đề này trước khi chúng xảy ra. Bill Gates, chủ tịch Microsoft, vừa được thán phục vừa được nể sợ với tư cách là một thiên tài về kỹ thuật và một nhà chiến lược kinh doanh. Những nhân viên được triệu tập trình bày dự án với ông biết rằng họ sẽ bị chất vấn không thương xót, không chỉ về các khía cạnh kỹ thuật của dự án, mà còn về tiềm năng thị trường và khả năng sinh lợi của dự án. Trong nội bộ Microsoft có lan truyền câu nói: "Bạn hãy chuẩn bị thật kỹ trước khi đi gặp Gates. Bằng không, ông ta sẽ hủy diệt bạn."
4. Trau dồi những khả năng phân tích của bạn. Một số người nghĩ rằng các quyết định kinh doanh có thể chỉ dựa vào trực giác và kinh nghiệm, nhưng điều đó hiện nay không còn đúng nữa. Để minh họa xem trực giác có thể rất dễ gây nhầm lẫn trong việc đưa ra quyết định kinh doanh, ta hãy nghe câu hỏi sau đây: nếu ta lấy một tờ giấy đánh máy và gấp nó làm đôi đến 32 lần thì nó sẽ dày bao nhiêu? Một inch, hai foot hay hơn nữa? Xin thưa, đáp số là 271 dặm? Bạn không thể tìm ra đáp số đó nếu chỉ dùng trực giác hoặc kinh nghiệm.
Tuy nhiên, bạn có thể hỏi, việc gấp giấy đó ăn nhập gì với quản trị? Giả sử bạn là giám đốc trong một doanh nghiệp đầu tư vốn cho những dự án mạo hiểm, và đang thẩm định một phương án đầu tư vào một công ty kỹ thuật cao mới khởi nghiệp. Doanh số công ty hiện nay là 1 triệu đôla. Chủ tịch công ty hy vọng mỗi năm sẽ tăng gấp đôi doanh số trong vòng 10 năm đến. Như vậy có được hay không? Trong trường hợp này cũng đừng nên tin trực giác của bạn.
5. Trau dồi kỹ năng tin học. Hãy cố gắng bắt kịp với những ứng dụng công nghệ tin học trong công ty của bạn. Học cách sử dụng phần mềm mới có thể hữu ích cho công việc của bạn qua những lớp học ngắn hạn nếu cần. Hãy biết cách chạy chương trình bảng tính dữ liệu, và làm những bài thuyết trình trông thật chuyên nghiệp. Hãy học những thuật ngữ chuyên ngành để bạn có thể hòa nhịp với những cuộc đàm đạo trong giờ ăn trưa. Bạn không cần phải trở thành "trùm" tin học, nhưng điều cất yếu là tính bị liệt vào hạng "cổ lỗ sĩ".
6. Biết cách quản trị sáng kiến. Việc quyết định xem có nên sử dụng sáng kiến như một chiến lược cho "công ty một người" của bạn phụ thuộc rất nhiều vào việc chủ của bạn tưởng thưởng như thế nào cho sáng kiến. Đặc biệt chú ý đến cách mà công ty của bạn đối xử với những người đưa ra sáng kiến, không chỉ những người có sáng kiến thành công, mà cả những người có sáng kiến bị thất bại.
Nếu công ty của bạn không khuyến khích sáng kiến, thì cần phải lập kế hoạch thay đổi công ty, bởi vì rốt cuộc thì tất cả mọi công ty đều phải sáng tạo mới tồn tại được. Thúc đẩy việc phát triển những sản phẩm và dịch vụ mới có khả năng sinh lợi là một trong những lĩnh vực nóng bỏng nhất trong quản trị hiện nay, và để thành công, bạn phải hiểu biết về quy trình nghiên cứu và phát triển.
7. Luyện kỹ năng hợp tác làm việc. Người hoạt động đơn thương độc mã chẳng có giá trị bao nhiêu trong các tổ chức hiện nay. Giá trị của bạn có liên hệ trực tiếp với thành quả bạn đạt được khi hợp tác với người khác. Bạn phải luyện những kỹ năng giao tế chẳng hạn như cách lãnh đạo, làm việc tập thể, và khả năng thuyết phục người khác bằng văn bản hoặc bằng lời nói. Trong bối cảnh hệ thống tôn ti trật tự trong doanh nghiệp đang suy tàn, bạn cũng nên biết cách quản trị những mối liên minh mang tính chiến lược với những người ngang hàng bên ngoài tổ chức của mình. Các mối quan hệ giữa người với người hiện nay ít dựa vào quyền ra lệnh, mà phụ thuộc nhiều vào sợi dây hợp tác chẳng hạn như các nhóm công tác và những đội ngũ phát triển sản phẩm mới.
8. Trau chuốt những năng lực cá nhân cết yếu của bạn. Những năng lực cất yếu là những gì bạn "trình làng" với công ty để giúp mình nổi bật so với người khác. Đó có thể là kỹ năng mang tính chiến lược của bạn trong việc thiết kế phần mềm mới hay phác thảo một dây chuyền sản xuất mới. Đây là lĩnh vực mà bạn phải làm việc cật lực để đạt được kết quả tết nhất trong khả năng của mình.
Tuy nhiên, coi chừng đừng có quá vô tư trong việc chia sẻ với người khác những bí quyết mà bạn phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được, kẻo không những kỹ năng mang tính chiến lược của bạn sẽ bị "bòn rút". Bạn cũng nên bảo đảm làm sao những năng lực cốt yếu của mình phải có tính "di động", có nghĩa là nếu bạn chuyển công ty thì cũng dễ dàng mang chúng đi theo - nhớ chọn một lĩnh vực có giá trị không chỉ với ông chủ hiện tại của bạn. Nhanh chóng nâng cấp bất cứ năng lực cá nhân nào có thể bị lạc hậu do có những công nghệ mới xuất hiện.
9. Biết cách "tiếp thị" những kỹ năng mang tính chiến lược của bạn. Để đạt được giá trị cao nhất từ việc đầu tư vào nhữnbừ năng lực cá nhân cốt yếu, phải làm sao cho người ta thấy được chúng. Hãy tìm cách "tiếp thị" những kỹ năng mang tính chiến lược của bạn bên trong cũng như bên ngoài cơ quan mình, với những người trong cùng lĩnh vực chuyên môn với mình. Bạn có thể làm được điều này bằng cách viết bài cho các tạp chí, nắm giữ các chức vụ, và thuyết trình tại những cuộc họp chuyên đề.
Đặt các mục tiêu cho chiến dịch tiếp thị bản thân của bạn. Bạn muốn mình chiếm được vị trí gì trong thị trường lao động chuyên môn và quản trị - là một thiên tài về kỹ thuật, một nhân viên kinh doanh siêu hạng, một "trùm" tài chính?
10. Lựa chọn và gây cảm tình với những cố vấn. Trong cơ cấu tổ chức của "công ty một người" của bạn, những cố vấn đóng vai trò hội đồng quản trị, chia sẻ kinh nghiệm và tri thức của họ, sử dụng những mối quan hệ nghề nghiệp của họ để giúp bạn mở được nhiều cánh cửa. Bằng cách có nhiều cố vấn, bạn có một nhóm người ủng hộ có thể thúc đẩy sự nghiệp của bạn khi đến lúc họ cần đưa ra những ý kiến đề xuất để lấp khoảng trống lớn trong nghề nghiệp của bạn. Hội đồng cố vấn của bạn có thể bao gồm sếp của bạn, một nhà quản lý cao cấp khác, một người ngang chức vụ ở một phòng ban khác, một nhân viên cấp dưới sẵn sàng trao đổi ý kiến với bạn, một chuyên gia trong ngành, và một bạn học cũ.
Việc lựa chọn và gây cảm tình với một hội đồng cố vấn đòi hỏi bạn phải biết đánh giá và nhạy cảm. Suy cho cùng, những mối quan hệ cố vấn thành công là nhờ cách đối nhân xử thế và tin tưởng lẫn nhau.
Mười kỹ năng mang tính chiến lược nêu trên nhấn mạnh một điều: Bản thân chính bạn chính là người phải tạo ra động lực cho sự nghiệp của mình thăng hoa. Bạn chứ không phải công ty của bạn – chính là ông chủ.
(Thời báo Doanh nhân) 

Đêm qua em được nghe Hương Lan hát suốt luôn!

Hôm nay em được bất ngờ đi xem ca nhạc tại nhà hát lớn TP đó anh! Không biết em may mắn hay bố cố tình nhường nữa. Nghe Hương Lan hát mà mẹ và em đã nghe đã quá chừng. Chỉ tội cho bố phải nằm ở nhà ngoại để đợi đón mẹ và em về.
Không biết anh có thể đoán nổi giá vé không chỉ? Đây giống như là 1 chương trình liveshow của ca sĩ Hương Lan đó anh. Cô ca từ các ca khúc quê hương, dân ca, nhạc trữ tình, nhạc tân cổ và còn nghe các bài hát về Huế nữa. Giọng hát thiệt là mượt mà. Người ta lớn tuổi chứ giọng hát thì chắc có già đi xíu nào. hihi.
02 vé này là do dì Hằng mua tặng cho bố mẹ đó anh ơi. Ngưỡng mộ dì Hằng quá đi mất!

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010

Cái gì ta đã có, chưa có, sẽ có và không bao giờ có?

Câu tiêu đề phía trên rộng và mênh mông quá. Mình chỉ muốn bây giờ xét về khía cạnh sắp xin việc mới thôi hén. Một lần nữa mình cần phải thử, dù có thất bại cũng phải thử! Vì nếu không thử thì cơ hội hoàn toàn không có khả năng đến với mình.
Mình là con người mau nản, thay đổi, thiếu ý chí..., nhưng thế mạnh của mình là biết rõ mọi việc, việc nào tốt nên làm và việc nào ko tốt nên tránh. Nhưng thực hiện được nó thì mới khó với mình. Mình biết nó ko tốt, nhưng đôi khi mình vẫn làm hihi. Vì mình là human beings đó. Hehe.
Thứ hai vừa rồi mình tìm được mẫu quảng cáo đăng tuyển dụng của công AJINOMOTO. Công việc PURCHASING. Bậy giờ mình sẽ đi sâu vào phân tích kỹ lưỡng xem mình có phù hợp với công việc này hay không và còn phải tạo động lực cho mình làm bộ hồ sơ thật tốt chứ!
Tại sao mình thấy công việc này thích hợp và muốn ứng tuyển?
- Hoàn cảnh hiện tại, công việc mình đang làm khá dễ dàng, làm những việc rất đơn giãn vẫn lãnh được lương tháng đều đều. Nhưng tại sao mình ko hài lòng với hiện tại?
+Mình cảm thấy nếu người khác vào vị trí mình sẽ làm tốt hơn mình. Nhất là những người môi mép, miệng lưỡi. Mình ko phải tiếp người như vậy, mình ko tự tin khi giới thiệu cái mình có. Mình mà kiếm được lời quá cũng thấy sao sao? Rồi thêm vào làm việc chăm sóc KH mình mà một vài người trong cty không thích nữa, họ cứ làm cho qua loa... thiệt là mình chịu không nổi. Mình ngại gọi điện thoại tìm KH mới, vì gọi nhiều thất bại nhiều là tâm lý mình càng nặng nè thêm. Nhưng cái thực tế mình phải thấy được đó là: nếu mình ko tự tìm KH thì KH đâu ra với mình. Người ta đâu biết mình mà tự động tìm với mình, mình cần nổ lực gieo trồng, chăm sóc, thì sau này mới thu hoạch được chứ? Biết thì biết vậy nhưng tâm lý mình cứ ì ra sau rất nhiều lần cố gắng. Do vậy mình mới có suy nghĩ mình ko thích hợp làm việc này. Cũng vì mình ko có năng lực sales, nên mình cảm thấy ái nái một phần rồi, phần khác các nhân viên khác trong cty nhìn vào lại tỏ ra rất ganh tỵ nữa. Mình cảm thấy rất khó xử cho sếp mình, nhưng thật tình mình cũng cố nhiều, nhưng mình vẫn vậy...
+Lý do kế nữa mình muốn đổi việc vì, khóa học 6 tháng của mình sắp kết thúc, mình sắp phải thực hiện quyết định tiếp theo là học nữa hay ngừng tại đây? Ngừng thì tiếc bao nhiêu tiền và kiến thức bổ ích mình học được mà ko dùng được. Còn tiếp tục thì mình cảm thấy gánh nặng quá. Làm việc 3 năm trời rồi, mà mình ko có bất cứ cái gì gọi là tài sản cho bản thân nữa. Thậm chí một chiếc xe máy, máy tính... do tiền mình mua. Tiền mình làm ra trong chừng ấy năm chỉ dành cho việc nuôi bản thân, đóng tiền học và phụ trợ một ít với ba mẹ. Mình biết làm sao đây! Còn một điều nữa, nếu mình tiếp tục học, thì những kiến thức mình học chưa được dùng, bây giờ học tiếp mình lại rơi vào lối mòn, ít kiến thức được mình vận dụng quá. Quên hết các kiến thức cũ làm sao? Do vậy, nó thôi thúc mình tìm cv phù hợp hơn. Giúp mình có nhiều động lực trong khi làm. Lao động là vinh quang!! hihi Mình rất thích câu này.
Và đây cv hiện đang tuyển tại cty AJINOMOTO, thực chất ko phải là cv mình mong muốn cuối cùng. Nhưng mình cần một cái gì đó mới mẽ, mình sẽ nổ lực lại từ đầu. Vì khi đó mình ko có mong muốn hoặc đòi hỏi cao như bây giờ. Và thường đứng núi này trông núi nọ.
Thời gian và địa điểm của cty này lại rất thích hợp với yêu cầu của mình. Mình sẽ có nhiều thời gian hơn với gia đình và với anh xã mình sau này.
Vì đây là cty Nhật, mình làm càng lâu thì càng được nhiều ưu đãi. Mình thì thích tìm chỗ nào lâu dài thôi. Hihi.
Và đây cũng là một cty DQG nên việc luân chuyển các vị trí sẽ giúp mình thú vị hơn rất nhiều.
Và điều khó khăn với mình lúc bây giờ là làm thế nào mình có thể được nhận vào vị trí đó. Để giải bài toán tâm lý cho mình.... Ngoài việc cố gắng mình phải biết làm như thế nào nữa chứ?
Điểm yếu của mình:
Chưa từng được lọt qua vòng hồ sơ khi dự tuyển vào cty DQG như thế này. Chưa có kinh nghiệm trong việc làm hồ sơ và phỏng vấn. Mình cần tìm ra được những chiến lược tốt. Mình sẽ tạm dừng ở đây nhé. Khi nào nghĩ ra mình sẽ viết tiếp.

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2010

Bí quyết sử dụng gia vị

Bí quyết sử dụng gia vị
Hạt tiêu đem lại hương vị cho món ăn.
Hạt tiêu đem lại hương vị cho món ăn.
Các đầu bếp tạo ra dấu ấn đặc trưng cho món ăn của mình chính nhờ những cách gia giảm gia vị khác nhau. Cùng với việc điều chỉnh ngọn lửa trong lúc chế biến, gia vị được nêm vừa đủ và đúng thời điểm sẽ mang lại hương vị chính xác của mỗi món ăn.
* Dùng muối: Trong lúc làm bếp, tuỳ theo món ăn mà cho muối vào trước hay sau khi đun nấu. Nếu cần miếng thịt đậm, không bị giảm chất ngọt, bạn nên cho muối vào trước. Khi nấu canh, cần có vị ngọt từ xương, thịt nên đun sôi canh rồi mới cho muối vào. Khi xào nấu, hãy cho muối ngay lúc mỡ vừa tan, khoảng 30 giây hay 1 phút sau hãy cho rau và các thức khác vào. Cách nêm như vậy về sẽ giúp loại bỏ được 95% độc tố aflatoxin trong muối.
* Dùng nước mắm: Nước mắm có hương vị đặc biệt, ngoài tác dụng kích thích sự thèm ăn và tiêu hoá, còn chứa nhiều chất bổ. Vì vậy, không nên đun lâu khi dùng cho các món nấu. Với canh, cho nước mắm vào rồi bắc ra ngay, để sôi lâu trên bếp sẽ mất ngon. Riêng canh chua thì cho nước mắm sau khi nhấc nồi ra khỏi bếp. Làm như vậy mới bảo toàn chất đạm, vitamin A, D và B12 có trong loại gia vị này.
* Dùng hạt tiêu: Thông thường, bạn hay cho hạt tiêu vào thức ăn trước khi kho nấu. Nhưng theo các nhà dinh dưỡng học thì hãy đợi đến khi thức ăn đã chín. Nếu cho trước, hạt tiêu sẽ biến thành chất độc dễ gây ung thư.
* Dùng bơ: Bạn có thể tốn ít nguyên liệu cho những món như ếch chiên bơ, cánh gà chiên bơ... mà món ăn vẫn dậy lên hương vị này. Muốn vậy, trước hết bạn hãy chiên món ăn với dầu hay mỡ. Món ăn chín thì cho ra đĩa và phết bơ lên ngay. Hơi nóng sẽ làm cho bơ chảy ra, mang lại mùi đặc trưng cho món ăn.
* Dùng rượu: Muốn giữ được mùi rượu cho các loại thức ăn đun nấu, trong khi nấu nướng bạn không nên đổ hết rượu vào ngay từ đầu mà chỉ nên dùng một nửa thôi. Số còn lại, chuẩn bị ăn mới đổ vào.
Sưu Tầm.

Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2010

Một ngày đầu tuần thật phấn khởi, anh nhé!

Lâu quá không có nói chuyện với anh. Không biết anh đã có những thông tin này chưa nữa.
Tối thứ 6, bố mẹ có đi gặp mặt Bác Định rồi anh nhé. Bác Định khen lấy, khen để anh xã thôi, nên bố mẹ hãnh diện quá chừng luôn.
Tuần rồi, em về quê và cũng đã hết bệnh rồi. Xem được tranh giải ba của WC với mẹ thiệt là vui! Nhưng tiếc là không xem được hết trận chung kết. Nhưng nhìn chung em ko thích trận này cho lắm, hai đội đá rắn quá.
Hôm nay em lên đến cty mới có 6g30' thôi, nằm ngủ 1 chút đến 7g15. Rồi đi rửa mặt ăn sáng và bắt đầu làm việc đây.
Tạm biệt anh, chúc anh có 1 ngày làm việc đầu tuần thật phấn khởi nhé.