Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010

Vô tình làm hư con! Những điều không thể lãng quên khi làm cha mẹ.

Vô tình làm hư con



Cha mẹ nào cũng muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, chúng ta lại vô tình phạm phải những sai lầm khiến cách giáo dục của mình thành phản tác dụng.

Đáp ứng mọi nhu cầu khiến bé không ngừng đòi hỏi
Bạn đừng nghĩ rằng đáp ứng mọi nhu cầu của bé nghĩa là quan tâm đến bé. Khi bé của bạn đòi gì được nấy, có được mọi thứ sẽ càng khiến bé không còn cảm thấy hạnh phúc bởi bé sẽ chẳng bao giờ thấy thỏa mãn và ngày càng đòi hỏi nhiều hơn.
Đáp ứng ngay lập tức những hành động vô lí của trẻ sẽ dễ khiến trẻ tự phụ về sau (Ảnh minh họa)
Các bậc cha mẹ nên chứng tỏ sự quan tâm của mình bằng cách dành thời gian cho con. Bé được nuông chiều quá sẽ không cảm thấy biết ơn khi nhận được điều gì từ người khác, và bé sẽ không thể học được cách đối mặt với những thất bại trong cuộc sống.
Không giao việc – bé sẽ trở thành người thiếu trách nhiệm
Cha mẹ không nên xem con mình lúc nào cũng còn bé, phải giáo dục cho bé rằng mỗi thành viên trong gia đình đều phải có trách nhiệm làm việc nhà và phải tạo mọi điều kiện để bé cùng chia sẻ công việc, từ những việc nhỏ và đơn giản như: xếp bát đũa, quét nhà, đến việc tự lau dọn phòng ở…
Nếu bé không làm việc, bé sẽ luôn nghĩ rằng người khác phải phục vụ mình. Điều đó sẽ khiến bé không hiểu được giá trị của công việc và sẽ không thể sống độc lập khi đã trưởng thành. Khi bé không ý thức được trách nhiệm của mình, thì sau này bé sẽ rất khó khăn để gánh vác một trọng trách nào đó trong cuộc đời.
Nảy sinh tính xấu khi cha mẹ kỷ luật lỏng lẻo
Dù ở nhà hay đi ra ngoài, bé phải học được cách cư xử đúng mực, điều đó phụ thuộc vào việc cha mẹ có kỷ luật bé nghiêm hay không. Khi ở nhà, bạn hãy rèn cho bé tính nề nếp, ngăn nắp bằng cách kỷ luật thật nghiêm khi bé phạm lỗi. Nếu người này kỷ luật, người kia bênh vực sẽ khiến những thói xấu nảy sinh ảnh hưởng đến suy nghĩ và lối sống của bé.
Bé “tự phụ” nếu được khen thưởng quá mức
Khen thưởng sẽ khuyến khích bé làm tốt mọi việc và tạo cho bé sự tự tin. Nhưng nếu cha mẹ khen thưởng con quá mức sẽ khiến bé có nhận thức sai lệch về thành tích thật sự của mình. Bé sẽ luôn coi mình là nhất và sẽ dần ít phấn đấu hơn.
Áp đặt phát triển gây ức chế cho bé
Cha mẹ dạy bé sống phải có hoài bão, đam mê là điều rất đúng đắn. Nhưng đừng ép bé phải suy nghĩ và hành động theo ý thích của mình và theo cách của người lớn. Đừng bắt bé phải học đàn khi mà bé chỉ thích học võ, đừng áp đặt bé 2 tuổi phải chơi hay học theo bài học của bé 4 tuổi. Bạn hãy để bé lớn lên một cách tự nhiên theo đúng lứa tuổi, nếu không bé sẽ chỉ làm một cách chống chế cho xong, hoặc sẽ tìm cách nói dối cho qua chuyện.

Cãi vã trước mặt bé

Cha mẹ đừng nghĩ con còn bé không biết gì, mọi lời nói và hành động của cha mẹ luôn luôn là bài học sâu sắc đối với bé. Khi có những bất đồng gay gắt xảy ra, cha mẹ hãy tránh mặt bé để bé không phải chứng kiến vì điều đó sẽ vô tình đem lại cho bé những suy nghĩ tiêu cực. Lối sống của cha mẹ chính là định hướng nhân cách cho bé. Nếu bé thấy được sự yêu thương và tôn trọng nhau giữa cha mẹ, bé sẽ thấy được giá trị của gia đình – nơi để bé luôn cảm thấy an toàn và ấm áp.

Theo Afamily

2 nhận xét:

  1. Đây chính là những gì anh lo lắng về khả năng của bản thân trong trách nhiệm nuôi nấng và dạy dỗ cho con của mình. Anh không tự tin rằng mình sẽ đủ khả năng để làm điều đó. Một mặt anh rất yêu thích trẻ con, mặt khác thì anh sợ làm chúng hư (không phải là chiều cho chúng hư, mà sợ mình làm quá - kỷ luật thép, thì chúng cũng chẳng ra gì). Như thế nào là điêu độ và đúng mực, đây chính là điểm mà không một nhà tâm lý học nào có thể chỉ ra được cho trẻ nhỏ, vì bản thân mỗi 1 con người là 1 cá thể đặc trưng. Tùy từng đứa mà có những thước mực nhất định. KHó khó khó quá.

    Trả lờiXóa